Đăng tin mới

ĐÁNH THUẾ TÀI SẢN VỚI NHÀ Ở: NỖI LO VÀ TRANH CÃI

Đăng bởi: admin, ngày 09/03/2022 09:11 AM

Bên cạnh ý kiến ủng hộ với lý do chống đầu cơ, tăng giá, kiểm soát tham nhũng thì có nhiều ý kiến cho rằng việc đánh thuế trong bối cảnh hiện nay không những khó khả thi mà có thể gây hiệu ứng ngược.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở. Thực tế, dù mới là 1 văn bản lấy ý kiến về việc có cần xây dựng về thuế tài sản với nhà ở hay không, chưa phải là 1 đề xuất, càng chưa phải là một dự thảo mà đã khiến thị trường hoang mang, nhiều lo ngại nếu thêm loại thuế này sẽ đẩy giá nhà ở tăng cao, cơ hội sở hữu nhà của người dân càng thêm khó.
Nỗi lo chồng chéo
Thuế chồng thuế là một trong những nguy cơ đầu tiên mà ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ ra khi đánh giá về đề xuất đánh thuế tài sản với nhà ở mà Bộ Tài chính đang đưa ra để lấy ý kiến các bộ, ngành.

Ông Châu cho rằng, việc đưa ra thuế tài sản với BĐS nhưng vẫn duy trì việc thu tiền sử dụng đất là một vấn đề cần xem xét
“Thuế là một công cụ rất hiệu quả nhưng nếu công cụ sai lại tác hại ghê gớm nên phải cân đối mọi thứ và phải phải nhìn vào tổng thể. Nếu áp thuế tài sản thì phải giảm tiền sử dụng đất xuống và cần có lộ trình để không gây sốc cho thị trường”, Chủ tịch HoREA đề xuất.

Đồng quan điểm, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng hiện nay Việt Nam đang áp dụng nhiều khoản thuế, phí, liên quan đến BĐS. Ông lấy ví dụ về tiền sử dụng đất, về bản chất cũng là một loại thuế tài sản mà chủ sở hữu mảnh đất phải nộp cho Nhà nước. Nếu bổ sung thêm thuế tài sản mà vẫn giữ các loại thuế cũ sẽ dẫn tới thuế chồng thuế. 

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, giá nhà ở trên thị trường sẽ tiếp tục tăng cao nếu phải gánh thêm thuế tài sản bởi mọi loại thuế, phí cuối cùng đều “chạy” vào giá thành. Khi đó, những đối tượng khách hàng cuối cùng, gồm cả người mua và người thuê, sẽ chịu thiệt. Đồng nghĩa, mục tiêu giảm nhiệt thị trường nhà ở và bảo vệ người có thu nhập thấp của thuế tài sản sẽ khó đạt được.  

 

 

PGS. Đinh Trọng Thịnh cũng nêu kinh nghiệm của các nước cho thấy nguồn thu từ thuế tài sản không quá lớn, chủ yếu các nước thu từ thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, thuế tài sản sẽ làm thay đổi nhiều thứ, từ thói quen tiêu dùng đến hành vi mua, bán nhà. Vì thuế tài sản hàng năm nặng nề mà nhiều người có thể phải tạm gác lại nhu cầu mua nhà để chuyển sang đi thuê. Việc áp thuế nếu thực hiện sẽ làm thị trường BĐS trầm lắng trong giai đoạn tới.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, BĐS có sức ảnh hưởng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, xi măng, sắt thép, tài chính, ngân hàng...
Thời gian qua, do tác động của dịch bệnh, BĐS được xem là lĩnh vực hiếm hoi góp phần đáng kể mang lại sức sống và đà hồi phục cho cả nền kinh tế. Việc phải gánh thêm một loại thuế có thể khiến thị trường gián đoạn, chặt đứt đà tăng trưởng của lĩnh vực được xem là đầu kéo của nền kinh tế…

Nguồn: Vietnamnet

Ký gửi nhà đất

 Gửi ngay
baner

2018 Copyright © Sota Group . All rights reserved. Design by choquynhon.vn

1
Bạn cần hỗ trợ?