HƯỚNG NHÀ
THEO DÂN GIAN VÀ THEO KHOA HỌC
*Quan niệm dân gian: Nhà hướng Nam.
Từ xa xưa, ở xứ bắc và bắc miền trung hiện nay, con người sinh tồn giữa mênh mang trời đất. Luôn phải chống chọi với sự khắc nghiệt, hãi hùng của thời tiết!
Gió rét từ phương Bắc, Bão ập từ hướng Đông, Gió giật từ hướng Tây (ngược chiều cơn bão). Duy chỉ còn hướng Nam, những ngôi nhà tranh yếu ớt, may ra có cơ hội chống rèm, mở cửa…
Cũng từ lẽ đó, dân gian kỵ nhất làm nhà hướng Bắc. Nếu ai đó có ý định, sẽ được nhắc nhở: “Nhà hướng Bắc, bắt c… không ra” (Nhà hướng Bắc, lạnh teo chim).
Đồng thời, cũng ít khi dựng nhà hướng Đông, hướng Tây. Bởi, hai hướng này, mặt tiền, mặt hậu, trực diện với bão xô, gió giật, xác suất tai hoạ sẽ rất cao.
Chỉ có hướng Nam: lưng nhà chắn gió Bắc lạnh, hai đầu hồi nhà trụ bão, tiết diện nhỏ, sẽ giảm thiểu được rủi ro!
Đó là căn nguyên chính, để người xưa, chuyên làm nhà hướng Nam. Rồi đúc kết: “Đã là vợ thì phải đàn bà, đã làm nhà thì phải hướng Nam!” (Dùng cái tất yếu này, để khẳng định cái kia cũng là tất yếu).
Câu Ngạn ngữ, mang tính mặc định: “Vợ đàn bà, nhà hướng Nam”, được hình thành như thế!
Ấy thế, nhưng nhiều người chưa am tỏ xuất xứ. Đã hời hợt cho rằng: “Vợ hiền hoà, nhà hướng Nam!”.
Vợ, thường được ví: vợ hiền, hiền lành, hiền hậu, hiền thục… Chứ ít khi ví với hiền hoà, bởi hiền hoà thường để chỉ về không gian. Ví như: thiên nhiên hiền hoà, sông nước hiền hoà, đồng xanh hiền hoà. Vv…
*Quan niệm của giới tinh hoa: Cung điện, Công đường hướng Nam:
Từ hàng ngàn năm trước, khi giới tinh hoa, nhận diện được quy luật âm dương, ngũ hành, bát quái. Cũng là khi tìm ra được hướng đắc lợi, cho việc kiến tạo Cung điện, Công đường!
Theo bát quái (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài) thì quái Ly (tức quẻ Ly) là chính Nam. Ly là lửa, lửa là sáng. Cộng với hướng Nam là hướng gió Nồm (nói trệch của gió Nam) mang khí dương!
Cộng kết lại: hướng Nam vừa sáng, vừa dương khí, sinh vượng. Được mặc định cho bậc Đế Vương!
Bởi thế, mới có câu: “Thánh nhân Nam diện, nhi thính thiên hạ” (Bậc Thánh nhân, nhìn về hướng Nam, để nghe ngóng thiên hạ).
Thực tế diễn ra: Tử Cấm Thành ở TQ, quay hướng chính Nam, thì Cung đình Huế cũng xây hướng chính Nam (Ngọ Môn- cửa chính nam). Theo đó, tất thảy Công đường (là của công) đều quay theo hướng chính Nam!
*Khoa học Phong thuỷ: nhà bốn phương, tám hướng:
Có một nghịch lý: khuôn mặt, số phận, không ai giống ai, nhưng nhà ở lại chuyên chú hướng Nam.
Khoa học Phong thuỷ đã hoá giải điều này!
Bằng những đúc kết, qua hai ngàn năm, đã chỉ rõ: nhà ở không thể đồng nhất hướng. Mà phải là bốn phương, tám hướng, tuỳ thuộc vào cung mệnh của từng người!
Lại nói về cung mệnh: trong tổng thể người, tự thân hình thành hai loại hình cung mệnh. Hoặc thiên về hướng Đông, hoặc thiên về hướng Tây!
Phong thuỷ định danh: mệnh Đông tứ trạch (Đông, Đông Nam, Nam, Bắc) và mệnh Tây tứ trạch (Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc).
Mỗi mệnh Đông, mệnh Tây có 4 hướng, ứng với 4 cấp độ: đại cát, thượng cát, trung cát, tiểu cát. Tuỳ vào cung mệnh, mà suy chiếu, tính chọn một hướng nhà phù hợp, đắc lợi nhất!
Riêng Cung điện, Công đường, có nhiều chủ nhân nối tiếp nhau, không bất biến vào cung mệnh của một ai, nên hướng Nam là mẫu số chung, cho tất cả!
Quy luật của nhà ở: đa phương, đa hướng. Được hình thành, tự thân từ quan hệ Thiên, Địa, Nhân!
Ở đời, đơn giản nhất, như tham gia giao thông cũng có luật, thì tất yếu tồn sinh trong trời đất, càng phải có luật!
Xưa nay, những bậc hơn người, bởi họ tinh thông quy luật, vận động theo quy luật. Những ai đó, còn mơ hồ, hoặc bất chấp quy luật, hãy thức tỉnh, khi đang có thể!
*
*Bài viết của Ts. Nguyễn Quang Cương
*Ảnh: Nhà ở quê Bác, dùng minh hoạ cho kiểu nhà tranh xưa!